(TRựC TUYếN) BàN TRòN: ASEAN TRONG TôI, NGôI NHà CủA CHúNG TA

Báo Thế giới & Việt Nam (TG&VN) tường thuật trực tiếp cuộc trao đổi với hai nhà ngoại giao kỳ cựu trong chương trình "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta" sáng nay, 19/4.

Các diễn giả tham gia Bàn tròn: "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta" tại trường quay của Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 19/4. (Ảnh: Anh Tuấn)

Nhìn lại 29 năm về trước, câu chuyện Việt Nam chuẩn bị tham gia ASEAN có gì đặc biệt? Quá trình Việt Nam từng bước trưởng thành trong ASEAN có những điểm nhấn ra sao? Việt Nam đang làm chủ tương lai của chính mình để cùng xây dựng tương lai trong ngôi nhà chung như thế nào? Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, vì vậy, có những thông điệp gì?

Lời giải cho những câu hỏi đó được chia sẻ trong buổi Tọa đàm trực tuyến: "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta" hôm nay với hai khách mời đặc biệt:

- Đại sứ Phạm Quang Vinh, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam (2007-2014).

- Đại sứ Nguyễn Trung Thành, nguyên Trợ lý Bộ trưởng Ngoại giao, nguyên Trưởng SOM ASEAN Việt Nam (2002-2007).

TG&VN: Nếu như trở về thời kỳ chiến tranh Lạnh, chắc chắn không ai dám nghĩ sẽ có một ngày Việt Nam là một phần trong ASEAN (thành lập 8/8/1967), khi đó có thể được xem là hai “chiến tuyến” rạch ròi. Lịch sử đã “xoay vần” như thế nào để cả hai đều có một cái nhìn khác và điều gì đã đến sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh tuyên bố “Việt Nam sẵn sàng thiết lập quan hệ hữu nghị với các quốc gia thành viên ASEAN và các quốc gia khác trong khu vực” vào năm 1989, thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nhớ lại ngày Việt Nam là một phần trong ASEAN, đây là chặng đường dài giữa các nước ASEAN cũ và Việt Nam. Câu chuyện lịch sử lúc đó tạo hố ngăn cách lớn, sự thù địch lớn giữa hai bên.

Thời điểm đó, kết thúc chiến tranh Việt Nam và có những bước đột phá trong việc giải quyết vấn đề pháp lý. Việt Nam chuyển sang đổi mới và thúc đẩy về mở rộng quan hệ hợp tác với khu vực và thế giới, xóa bỏ kinh tế bao cấp. Khu vực Đông Nam Á rất cần hòa bình, ổn định sau nhiều năm chiến tranh và xung đột.

Tuy nhiên, khi chúng ta sẵn sàng mở rộng quan hệ đối ngoại, hữu nghị với các nước trong Đông Nam Á, không có nghĩa đều thuận lợi cho việc tham gia ASEAN bởi Việt Nam có rất nhiều trăn trở.

Đại sứ Phạm Quang Vinh phát biểu tại Bàn tròn "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta", ngày 19/4.

TG&VN: Thưa Đại sứ Nguyễn Trung Thành, ông có thêm góc nhìn nào về những năm tháng lịch sử này?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Thực ra chiến tranh hay chia rẽ đó là sự bất thường, nên cần phải hợp tác với nhau, cộng sinh với nhau. Tôi nhớ câu của Thủ tướng Lý Quang Diệu nói về việc Việt Nam gia nhập ASEAN, ví Việt Nam giống như con vịt mà thấy nước là ùa ra một cách tự nhiên. Nhu cầu hợp tác, hòa bình, gắn kết với nhau cùng ở trong khu vực địa lý quan trọng này là một sự tất yếu, tuy vậy, tất yếu không có nghĩa là dễ dàng

Vào thời điểm phù hợp năm 1994, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Mạnh Cầm có nói là chúng ta sẽ vào rất sớm, một sự trăn trở để có ngày gia nhập thắng lợi như hôm nay.

Nói là muộn thì cũng không phải, nhưng đây là dòng chảy tất yếu, đòi hỏi sự thay đổi về cách nhìn, cách ứng xử của mỗi bên về Việt Nam, về sự đổi mới, nhìn thấy Việt Nam như một đối tác tự nhiên không thể thiếu trong tiến trình hội nhập. Năm 1967, ASEAN thành lập với những tiêu chí như vậy nhưng Hiệp hội chưa thể thực hiện được điều đó nếu không có sự tham gia của Việt Nam để trở thành một ASEAN với 10 nước như hiện nay.

TG&VN: Được biết, đã có thời gian Đại sứ Nguyễn Trung Thành công tác ở Ban thư ký ASEAN để chuẩn bị những bước đầu Việt Nam gia nhập Hiệp hội. Những ngày đầu tìm hiểu về nhau ấy, như thế nào, thưa Đại sứ?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Từ năm 1993 trở đi, các mối quan hệ song phương của ta, trước tiên với các nước ASEAN và Trung Quốc đã được khai thông và bình thường hoá. Cũng thời gian đó, một nhóm kỹ thuật đi sang trong đó có tôi và nguyên Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam (khi đó là Vụ trưởng) ăn nằm ở đó hai tháng, để hiểu được cuộc chơi, để hiểu được nhu cầu kỹ thuật, cách tổ chức để có thể sẵn sàng cho việc tham gia ASEAN một cách hiệu quả nhất.

Thời gian chúng tôi 4 người cùng nhau tại Ban thư ký ASEAN cũng là một giai đoạn nhiều cảm xúc nhất. Canh cánh trong lòng tôi là phải có đóng góp trực tiếp cho đất nước để đến giờ G tuyên bố Việt Nam đã có mặt ở đó.

Đại sứ Nguyễn Trung Thành (phải) phát biểu tại Bàn tròn "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta", ngày 19/4.

TG&VN: Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng của Tổ quốc được kéo lên cùng với quốc kỳ của 6 thành viên ASEAN khác tại Lễ kết nạp Việt Nam vào ASEAN ở Quảng trường thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei ngày 28/7/1995, theo Đại sứ Phạm Quang Vinh mang đến thông điệp gì đối với Việt Nam và khu vực?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Tôi có một cơ may, rất cá nhân, khi đó tôi chưa làm việc tại ASEAN. Vào năm 1995, tôi được Vụ ASEAN mời vào nhóm công tác soạn thảo Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân ở Đông Nam Á. Khi đó, nhóm đang họp ở Brunei,

Tháng 7/1995, Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói rằng, mọi người đã ở đây rồi, cùng ở lại và dự lễ Việt Nam gia nhập ASEAN. Khi đó, tôi như một quan sát viên, đứng bên ngoài, nhìn vào câu chuyện ASEAN. Và đến thời điểm năm 2007, tôi chính thức làm về ASEAN. Giai đoạn này kéo dài hơn 7 năm, tới 2014.

Nhìn về góc độ chính sách, rõ ràng có thể thấy một Đông Nam Á gác lại quá khứ, hướng tới tương lai, cùng phấn đấu về cộng đồng ASEAN tại khu vực. Bây giờ, mục tiêu hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển là mục tiêu chung.

Bên cạnh đó, một ASEAN nếu có Việt Nam và 10 nước Đông Nam Á khác thì mới trở thành nòng cốt trong khu vực.

Việt Nam cũng bình thường hóa quan hệ với các nước lớn. Có thể thấy rõ, cả hai phía Việt Nam và ASEAN đều rất cần lẫn nhau, tạo cho khu vực thế mới. Từ nay, Đông Nam Á không còn nghi kỵ, đối đầu mà cùng phấn đấu, ổn định hơn.

Bộ trưởng Ngoại giao các nước ASEAN dự lễ kéo cờ Việt Nam tại Trung tâm hội nghị quốc tế ở thủ đô Bandar Seri Begawan, Brunei, ngày 28/7/1995. (Nguồn: TTXVN)

TG&VN: Còn Đại sứ Nguyễn Trung Thành, sau những tháng ngày nhiều trăn trở, miệt mài, sự kiện ngày 28/7/1995 đó mang lại cho cá nhân ông những xúc cảm như thế nào?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Là những người đầu tiên lập Vụ ASEAN năm 1994, việc gia nhập ASEAN tạo ra cảm xúc vô cùng lớn laao đối với đất nước, đối với sự nghiệp đổi mới và hội nhập toàn diện. Là người trong cuộc, chúng tôi ý thức về nhiệm vụ làm sao để trở thành thành viên ASEAN, xây dựng nguồn nhân lực và hình thành đội ngũ Việt Nam có thể vượt qua mọi khó khăn, chúng tôi gọi là “Team Vietnam can do”, đó là một sự thúc bách từ trong tôi.

Cảm xúc của những “con ong thợ” khi đất nước bước vào mùa Xuân mới, mùa Xuân của hội nhập, mở ra một kỷ nguyên mới thực sự mạnh mẽ và tự hào. Bên cạnh niềm vinh quang là trách nhiệm khi được đứng trong đội ngũ này đúng vào thời điểm lịch sử của đất nước.

TG&VN: Điều ấn tượng là cả hai Đại sứ khách mời của chương trình hôm nay đều từng là Trưởng SOM ASEAN Việt Nam - một vị trí có vai trò quan trọng trong việc khởi thảo ra những quyết sách chiến lược của Hiệp hội. Trước tiên, xin được trao đổi với Đại sứ Nguyễn Trung Thành. Là Trưởng SOM ASEAN sau những cái tên như cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Nguyễn Tâm Chiến, nguyên Thứ trưởng Lê Công Phụng, những năm tháng làm SOM của ông là…?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Những người anh và những bậc tiền bối đóng góp vô cùng quan trọng để đặt nền móng cho sự tham gia ASEAN của Việt Nam buổi ban đầu là cố Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, sau này có cố Phó Thủ tướng Vũ Khoan, nguyên Thứ trưởng Ngoại giao Lê Công Phụng. Tôi thấy thật vinh dự khi được tiếp bước các bậc tiền bối như vậy. Cũng vì vậy mà tôi luôn đau đáu làm sao để Việt Nam đứng vào hàng ngũ ASEAN với trình độ phát triển cũng như sự khác biệt.

Từ tâm thái, nhiệm vụ, cho đến khả năng thực thi, sáng kiến… sự đóng góp tại thời điểm lịch sử đó của những người đi trước vô cùng quan trọng. Giai đoạn đó đòi hỏi sự mạnh mẽ ở tính phát huy, đồng thời phải tìm cái mới để mang dấu ấn Việt Nam. Đó là một quá trình dài nhưng mà chúng ta cứ từng bước, từng bước nỗ lực để đạt được từng dấu mốc.

TG&VN: Đảm nhiệm cương vị Trưởng SOM ASEAN dài nhất cho đến nay của Việt Nam, liền mạch trong 7 năm (2007-2014), Đại sứ Phạm Quang Vinh đã từng tóm tắt là hành trình ấy những “cuộc cờ”. Vậy “cuộc cờ” đó là những gì, thưa Đại sứ?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Khi làm ASEAN, dù ở bất kỳ cương vị nào, đó đều là sự kết thừa và tiếp nối. Việt Nam tham gia ASEAN ở nhiều giai đoạn khác nhau, có giai đoạn học việc, có giai đoạn tham gia chủ động hơn nhưng có lẽ thời điểm của tôi và anh Trung Thành là xóa đi ranh giới cũ - mới trong ASEAN mà tất cả thành một nhóm.

Thời điểm tôi tiếp nối là bắt đầu những tài liệu xây dựng Cộng đồng ASEAN với kế hoạch tổng thể, bắt đầu Hiến chương ASEAN, xây dựng cộng đồng trên 3 trụ cột.

Khi làm Trưởng SOM ASEAN, tôi phải nhận thức được là đâu là lợi ích quốc gia, từ lợi ích đó, các nước trong khu vực tiếp cận như nào, tạo ra nhịp chung như thế nào, muốn làm việc lớn trong khu vực thì các nước ASEAN phải kết nối với các đối tác…

Câu chuyện thời cuộc và thời cơ là gắn kết lợi ích quốc gia của mình với khu vực, đưa ASEAN vào vị trí đại điện cho lợi ích của 10 nước, đặc biệt, trong đó là lợi ích của Việt Nam. Việt Nam phải có vai trò đóng góp tích cực và chủ động, càng ngày càng lớn trong khu vực.

Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 16 và lần thứ 17 tại thủ đô Hà Nội, tháng 10/2010. (Nguồn: TTXVN)

TG&VN: “Vinh SOM” hay “Mr Biển Đông” là những danh xưng gần gũi đã gắn liền với Đại sứ Phạm Quang Vinh, với thế hệ trẻ ngày nay cũng có thể bật ngay ra khi nhắc tới nguyên Thứ trưởng. “Vinh SOM”, “Mr Biển Đông”, vì sao vậy, thưa ông?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Có cả những điều đến rất tự nhiên, có những thứ do hoàn cảnh khách quan đem lại. Một ASEAN khi tôi tiếp quản từ anh Thành, thì đâu đó ASEAN đang chuyển mình từ ASEAN cộng đồng và ASEAN có Hiến chương. Thứ hai, thời điểm 2009-2012, lúc đó Việt Nam đảm nhận chức điều phối quan hệ ASEAN-Trung Quốc trong 3 năm.

Thứ ba, cũng có những điều chỉnh chính sách giữa các nước lớn và khu vực châu Á-Thái Bình Dương rất được quan tâm. Thứ tư, bắt đầu xuất hiện nhiều vấn đề phức tạp về Biển Đông. Nếu trước đây nói về Biển Đông thì nó là điều cấm kỵ trong ASEAN thì nay, chính an ninh, tự do hàng hải ở Biển Đông có quan hệ chặt chẽ với môi trường hòa bình, ổn định và hợp tác phát triển của cả khu vực.

Vậy làm sao để đi đến chương trình nghị sự, mình phải chia sẻ với các nước ASEAN, và đứng ở tầm nhìn khu vực chứ không phải từ góc độ tranh chấp Biển Đông. Làm sao quản trị tranh chấp đó đúng với luật pháp quốc tế, đúng Công ước Luật biển của Liên hợp quốc, đồng thời không ảnh hưởng đến xây dựng Cộng đồng ASEAN và môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác khu vực.

Tiếp theo, còn có những nước ngần ngại nói về Biển Đông, ám chỉ chống Trung Quốc, thì cách tiếp cận khu vực mà chúng ta chia sẻ vào thời điểm đó ở Biển Đông có những điểm chung, đó là hòa bình, an ninh, an toàn, tự do hàng hải, luật pháp quốc tế và xây dựng lòng tin. Biển Đông có những phức tạp nên các nước trong khu vực cần quản trị để không ảnh hưởng đến an ninh, ASEAN phải thúc đẩy thượng tôn pháp luật quốc tế, tôn trọng Công ước Luật biển, thực hiện COC.

Dù với vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020 hay là thành viên, Việt Nam luôn tích cực, trách nhiệm và chủ động trong Hiệp hội. (Ảnh: Nguyễn Hồng)

TG&VN: Như cái chớp mắt của lịch sử, gần 30 năm đã qua đi, nhìn lại, theo Đại sứ Nguyễn Trung Thành, đâu là những điều lớn nhất mà Việt Nam đã làm được trong ASEAN?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Việc Việt Nam gia nhập ASEAN là dấu mốc quan trọng, không chỉ nhìn trong khuôn khổ toàn diện, trong toàn bộ vấn đề triển khai đường lối đổi mới.

Trước tiên, điều lớn nhất mà Việt Nam làm được là chúng ta không chỉ tranh thủ được ASEAN như một diễn đàn quan trọng nhất về vấn đề an ninh, mà còn xây dựng, củng cố một không gian sinh tồn cho sự phát triển lớn mạnh của Việt Nam.

Thứ hai, chúng ta đóng góp vào công việc chung, không chỉ của ASEAN mà còn tạo vị thế của Hiệp hội trong tương tác với các nước lớn. Chúng ta sẽ không thể hiểu ASEAN nếu chỉ hiểu họ ứng xử như thế nào, họ làm gì và đang kỳ vọng gì trong việc kết nối thế giới với họ. Cần tham gia xử lý và đóng góp vào các vấn đề của thế giới, nhất là trong những vấn đề chuyển dịch vĩ đại, trào lưu mới của công nghệ như trí tuệ nhân tạo (AI), chuyển đổi số và phát triển. Ở đó có cơ hội cho ASEAN và đương nhiên là sẽ có Việt Nam.

Có thể nói rằng, đóng góp trực tiếp vào sự phát triển và đảm bảo an ninh của Việt Nam cũng chính là đóng góp cho khu vực. Với việc chủ động phát huy vai trò, sáng kiến nhiều hơn, bỏ vốn nhiều hơn, từ con người cho đến nguồn lực khác, vào ASEAN sẽ không bao giờ “lỗ” với chúng ta.

TG&VN: Thưa Đại sứ Phạm Quang Vinh, đã có lần ông nhận định, trong ASEAN, Việt Nam làm được cả những điều “không dễ”, đó là gì?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Nếu nhìn vào chặng đường 3 thập niên qua, trong ASEAN có Việt Nam và trong Việt Nam có ASEAN, có thể thấy rất rõ câu chuyện đó. Việt Nam đổi mới, hội nhập quốc tế, phát huy vai trò thì đều cần có môi trường gắn kết xung quanh là ASEAN. Vai trò của Việt Nam cả ở khu vực và thế giới đều kết hợp với ASEAN

Ngược lại, trong ASEAN, Việt Nam là nước đầu tiên tạo ra vị thế rõ ràng. Câu chuyện xây dựng cộng đồng, câu chuyện xây dựng Hiến chương ASEAN, câu chuyện ASEAN đóng vai trò trung tâm như thế nào để có vai trò của Việt Nam. Không chỉ thế, trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, ASEAN luôn có ưu tiên rất cao.

Về những điều “không dễ” mà Việt Nam có thể làm được, chúng ta phải nhắc đến vấn đề dân tộc, khu vực ASEAN - Việt Nam và những thành quả Hiệp hội làm được có đóng góp của Việt Nam.

Thủ tướng Phạm Minh Chính và các nhà lãnh đạo ASEAN tham dự Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Jakarta, Indonesia, tháng 9/2023. (Nguồn: VGP)

TG&VN: Có lẽ giờ đây sẽ không còn ai đặt câu hỏi “vì sao lại là Việt Nam”, mà thay vào đó là “Việt Nam có thể đóng góp như thế nào để ASEAN tốt hơn, mạnh hơn, thịnh vượng hơn”. Điều gì có thể giúp chúng ta tự tin tiên phong trong những câu chuyện chung của ASEAN, thưa Đại sứ Nguyễn Trung Thành?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: ASEAN được coi là một tổ chức khu vực thành công nhất thế giới, với lịch sử gần 60 năm hình thành và phát triển. Điều này đã khiến mọi người tự nhiên sẽ tìm hiểu lý do tồn tại và đặt Hiệp hội trong một thế giới có những chuyển biến và chuyển dịch lớn lao, từ địa chính trị, cho đến công nghệ, và những sự thay đổi về chiến lược và cách tiếp cận.

Tôi nghĩ rằng, bản thân ASEAN đang đứng trước việc phát huy những thành công của mình và câu hỏi ASEAN cần phải làm gì để khẳng định mình hơn nữa, khai thác tối đa để phát triển được lợi ích của Hiệp hội nhưng đồng thời lại có đóng góp cho câu chuyện nhân loại. Đóng góp vào câu chuyện của nhân loại là đóng góp vào củng cố hòa bình, phát triển và hợp tác với nhau, hóa giải hay quản lý vấn đề xung đột và khác biệt.

Đó là câu chuyện chung của ASEAN khi chuẩn bị kỷ niệm 60 năm thành lập. ASEAN cũng không kỳ vọng mình sẽ trở thành một tổ chức kiểu như Liên minh châu Âu (EU), là tổ chức siêu quốc gia. ASEAN hướng tới xây dựng cộng đồng nhưng vẫn là tổ chức của các nước độc lập, chủ quyền, bình đẳng với nhau.

Thực lực, ASEAN có thể làm được rất nhiều. Chúng ta càng đi càng gặt hái nhiều thành tựu. Bên cạnh đó, những thách thức đặt ra là chúng ta phải đào sâu suy nghĩ hơn để đóng góp nhiều hơn nữa, làm sao cho thực chất hơn, hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa và hóa giải những vấn đề đặt ra. Đó cũng là chủ đề của Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 (AFF). AFF sẽ trả lời.

Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt chủ trì họp báo về Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024, ngày 1/4, tại Hà Nội. (Ảnh: Anh Sơn)

TG&VN: Trong bối cảnh khu vực và quốc tế khó lường như hiện nay, những bài toán về an ninh và phát triển với ASEAN và các thành viên cũng vì vậy nhiều hơn, phức tạp hơn. Theo Đại sứ Phạm Quang Vinh, việc Việt Nam triển khai sáng kiến Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) có ý nghĩa như thế nào?

Đại sứ Phạm Quang Vinh: Diễn đàn Tương lai ASEAN là một sáng kiến đúng lúc, đúng người, đúng địa điểm. Các sứ mệnh đặt ra với ASEAN vô cùng to lớn khi tổ chức đang hướng tới tuổi 60 trong khi Việt Nam sẽ kỷ niệm 30 năm gia nhập ASEAN vào năm 2025.

Dòng sông sẽ không bao giờ đứng ở một khúc mà luôn luôn dịch chuyển. Đây là thời điểm ASEAN cần phải xác định được giá trị của mình và con đường để phát triển, những phương thức để tranh thủ nguồn lực bên trong, đồng thời tranh thủ sự ủng hộ, tham gia ở bên ngoài.

AFF là diễn đàn trực tiếp tiếp cận đặt ra những vấn đề đối với ASEAN nói riêng và nhân loại nói chung.

Có 3 vấn đề: Một là thế giới chuyển động sâu sắc và nhiều vấn đề mang tính thời đại. Hai là ASEAN không thể sống bằng những thành công đã đạt được trong những năm tới vì thế giới đã thay đổi. Ba là kỳ vọng của các nước ASEAN và người dân trong Hiệp hội.

Ba thứ đó đã đặt ra cho ASEAN phải nhìn nhận như thế nào, phải thích ứng và chủ động như thế nào để có thể phát huy thành quả của mình. Cạnh tranh địa chiến lược trong thế giới vừa tạo cơ hội và thách thức. Phát triển khoa học công nghệ tạo lỗ hổng lớn trong việc quản trị khu vực và thế giới. Nếu tụt hậu trong khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo thì sẽ tụt hậu về chất xám.

Có rất nhiều chuyển động về sự xu hướng phát triển kinh tế mới trong một thế giới vừa tuỳ thuộc vừa phân mảnh, vậy ASEAN đứng đâu trong câu chuyện đó? ASEAN phải bắt kịp theo 2 hướng, một là chuyển đổi sáng tạo, hai là chuyển đổi bền vững, chuyển đổi xanh.

Trong vai trò chủ đạo về câu chuyện duy trì môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực rộng lớn như châu Á-Thái Bình Dương, thứ nhất, ASEAN phải mạnh về kinh tế và đoàn kết về chính trị. Thứ hai, ASEAN phải bắt kịp xu hướng mới. Thứ ba, ASEAN cần phát huy vai trò vừa kết nối với các đối tác lớn, vừa tham gia xây dựng chuẩn mực ứng xử khu vực, qua đó các nước lớn dù có cạnh tranh thì vẫn phải hợp tác với nhau.

Chính vì vậy, AFF là nơi xây dựng chương trình nghị sự mới của ASEAN cho phát triển và hoà bình an ninh hợp tác ở khu vực.

Hy vọng AFF do Việt Nam đề xuất sẽ có những đóng góp cả về kinh tế, phát triển bền vững, cả về an ninh, hòa bình hợp tác cũng như xây dựng thiết chế ASEAN. Tôi rất trông đợi ở những điều đó và đây cũng là mong muốn của Việt Nam đóng góp cho Hiệp hội.

TG&VN: Thưa Đại sứ Nguyễn Trung Thành, ông kỳ vọng gì về Diễn đàn này?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: AFF là đúng lúc và đặt nó trên vai Việt Nam là đúng người, đúng địa điểm nhưng đây cũng là sứ mệnh vô cùng lớn lao.

“Dòng sông không bao giờ đứng một khúc”, nó luôn chuyển dịch và chuyển dịch hết sức lớn lao. Có những sự chuyển dịch loài người chưa từng có kinh nghiệm. Và câu hỏi đặt ra là ASEAN làm thế nào để giữ dòng nước đó.

Thách thức và cơ hội đều đang ở đó. Các nước lớn muốn đóng góp vào hòa bình, ổn định, muốn ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN, muốn ASEAN là nơi dẫn dắt đi đầu hãy thể hiện bằng chiến lược, kế hoạch cụ thể trong tương lai. Và AFF là diễn đàn cần được tiếp diễn hằng năm để tiếp cận trực tiếp với các vấn đề đang đặt ra với nhân loại.

Bàn tròn: "ASEAN trong tôi, ngôi nhà của chúng ta" được thực hiện tại trường quay của Báo Thế giới & Việt Nam, ngày 19/4. (Ảnh: Tuấn Việt)

TG&VN: Diễn đàn có chủ đề lấy người dân làm trung tâm, là chủ đề xuyên suốt của ASEAN trong những năm vừa qua, Đại sứ Nguyễn Trung Thành nghĩ sao?

Đại sứ Nguyễn Trung Thành: Quay về thời gian đầu năm 1994, tôi vẫn nghe ASEAN là những hội nghị của các quan chức cho đến khi xây dựng Hiến chương ASEAN 2007 về “People centered - lấy người dân làm trung tâm”. Đây là bước trưởng thành trong tư duy, cũng như cách tiếp cận thực tiễn của Hiệp hội. Trở lại vấn đề tương lai của ASEAN, thời cuộc luôn thay đổi và chúng ta chưa thể nào lường trước được hết các thay đổi theo dòng nào và hệ lụy sẽ như thế nào.

Vì vậy, chúng ta cần thay đổi cách nhìn, cách tư duy là điều cần thiết và phải “Think outside the box” (tức nghĩ rộng hơn, sâu hơn, mới mẻ hơn, sáng tạo hơn - pv), nếu chỉ đi theo lối mòn để giải quyết vấn đề thì thời đại này đáng tiếc không có được điều đó.

Không chỉ 1 cái đầu suy nghĩ mà cần phải nhiều cái đầu suy nghĩ cộng lại và lấy người dân làm trung tâm, tranh thủ nguồn lực chất xám và từ đó đi đến hình thành chiến lược của các quốc gia, không chỉ ASEAN mà các quốc gia cùng cần điều chỉnh, hoàn thiện mình để phù hợp với thời cuộc.

Việc tổ chức 1 diễn đàn như vậy là một sáng kiến hoàn toàn đúng. Có một diễn đàn mà hằng năm người ta còn lôi nhau đến đỉnh núi Alps thành phố Davos để các nhà lãnh đạo các nước, kể cả các nhà lãnh đạo tôn giáo, những người đứng đầu về truyền thông, các tổ chức dân sự… cùng suy nghĩ và bàn về vấn đề tương lai. Tôi nghĩ Việt Nam có thể làm được điều đó và tin chắc rằng Việt Nam sẽ nhận được sự ủng hộ rộng rãi với sáng kiến AFF.

TG&VN: Xin trân trọng cảm ơn các vị khách mời! Những câu chuyên của Đại sứ Phạm Quang Vinh và Đại sứ Nguyễn Trung Thành đã đưa chúng ta lên cỗ máy thời gian quay trở lại những mốc dấu quan trọng trên con đường của Việt Nam trong ASEAN, ở đó hai vị Đại sứ của chúng ta đã có những năm tháng được sống và cống hiến hết mình với lợi ích quốc gia và khu vực, với mái nhà chung mang tên ASEAN. Hẹn gặp lại độc giả trong chương trình bàn tròn trực tuyến tiếp theo của Báo Thế giới & Việt Nam!

Ông Nguyễn Trường Sơn (ngoài cùng bên trái), Tổng biên tập Báo Thế giới & Việt Nam tặng hoa cảm ơn hai Đại sứ đã tham gia chương trình. (Ảnh: Anh Tuấn)

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T03:45:55Z dg43tfdfdgfd