NơI GIăNG MắC NHữNG BâNG KHUâNG

TP - Lẩn thẩn? Nhưng đôi khi trong những thời khắc buồn nản, chống chếnh… tôi thường tìm đến Trung tâm Lưu trữ số III Cục Lưu trữ Quốc gia. Ở đó chưa hẳn có cô cháu Giám đốc Trần Việt Hoa dịu dàng ẩn nhẫn chu đáo như đội ngũ nhân viên của Trung tâm. Tại đây, tôi được hướng dẫn tiếp cận được với những tập Hồ sơ đã được giải mật.

Hồ sơ đi B.

Một góc ở Trung tâm Lưu trữ III

Chiến tranh, chia cắt… là thứ mà hình như lịch sử đã oái oăm thử thách trêu ngươi người Việt mình? Có lẽ thời gian 1955-1975 đã làm nên lát cắt của sử về tấm lòng Việt, tấm lòng hậu phương đùm bọc chở che những đứa con miền Nam trên đất Bắc, cùng những tính cách độc đáo sinh động của người Việt phương Nam…

Có lẽ ít người biết đến con số lẫn thông tin này trong hoàn cảnh Việt Nam bị chia cắt giai đoạn 1954-1975. Đã có khoảng 32 nghìn thanh thiếu niên miền Nam được đưa ra đào tạo ở miền Bắc. Được nuôi dạy toàn diện hoàn toàn bằng kinh phí Nhà nước trong môi trường nội trú. Có thời điểm cứ 6,3 học sinh miền Nam (HSMN) thì có hẳn một người lo việc nuôi dạy - một tỷ lệ rất cao trong hoàn cảnh kinh tế và giáo dục của miền Bắc lúc đó.

Vâng có một thời như thế. Là cha con cùng rủ nhau vào chiến trường, vào chỗ gian khổ, hy sinh. Chẳng phải là những con chữ viết tay trong lá thư lẻ may mắn hiện còn vương đâu đó mà là được lưu giữ cẩn thận trong Thư khố quốc gia…

Chuyện các ông bố những cán bộ cao cấp của Trung ương Cục, những cán bộ cỡ lớn viết đơn xin cho con mình cùng vô Nam vào chiến trường thì thấy lạ quá.

Hà Nội ngày 14/10/1974. Kính gửi Vụ điều động cán bộ B thuộc Ban thống nhất Trung ương. Tôi Nguyễn Mậu tức Nguyễn Ba Đông Tỉnh ủy viên Quảng Nam cán bộ B hoạt động tại Quảng Nam được ra Bắc chữa bệnh nay chuẩn bị vào lại chiến trường. Tôi xin yêu cầu một việc như sau. Tôi có một con trai duy nhất là Nguyễn Trọng Anh, 21 tuổi. Ra Bắc năm 1963. Mẹ cháu đã hy sinh trong chiến trường. Nay cháu đã học hết lớp 8 tại trường Học sinh miền Nam Vĩnh Phú. Nhân vào lại chiến trường, thấy cháu có sức khỏe có nguyện vọng cùng vào Nam tham gia chiến đấu với bố nên tôi viết đơn này xin yêu cầu quý Vụ giải quyết. Tôi xin chịu trách nhiệm hoàn toàn về việc xin cho con tôi đi công tác B. (Cục lưu trữ III. Hồ sơ số 2412)

Ủy ban thống nhất T.Ư. Ngày 3/12/1974. Kính gửi Ban giám hiệu Đại học Tổng hợp (ĐHTH) đồng kính gửi Bộ ĐH và TH chuyên nghiệp. Theo yêu cầu của đồng chí Cao Phong (tức đồng chí Cao Hoài Sại) cha của cháu Cao Hoài Chính hiện đang công tác B. Đề nghị Ban giám hiệu cho phép cháu Cao Hoài Chính đang học Dự bị trường ĐHTH được thôi học trở vào Nam công tác…

(Hồ sơ số 2412. Cục lưu trữ III)

UB Thống nhất TƯ Hà Nội ngày 6/12/1972. Kính gửi Ban tổ chức Thành ủy Hải Phòng Ban TCTW đã đồng ý theo đề nghị của đồng chí Dương Công Nhạn trước là cán bộ Sở Bưu điện Hải Phòng nay công tác tại Ban tuyên huấn miền Nam ra Bắc công tác mật xin cho con trai là Dương Công Bích học sinh trường Miền Nam Vĩnh Phú cùng vào chiến trường B với đồng chí Nhạn. (Hồ sơ 2412)

Trong hồ sơ số 2412 còn lưu các công văn, thư từ của Ban Thống nhất TƯ, Ban tổ chức T.Ư đề ngày 27/9/1972 về việc xin, điều động 6 học sinh trường miền Nam Vĩnh Phú về Nam công tác. Đó là Đặng Ngọc Minh (quê Long An). Lê Văn Phương (Sài Gòn). Võ Văn Hòa (Long Châu Sa) Nguyễn Hậu Thạnh (Tân An) Nguyễn Chí Hiếu, Huỳnh Minh Tuấn.

Lê Văn Phương, sinh 1950 cháu nội cụ Lê Văn Huấn, Ủy viên Ban chấp hành T.Ư Mặt trận dân tộc giải phóng niềm Nam Việt Nam (GPMNVN). Cụ Huấn đã có thư xin cho cháu nội mình vô Nam công tác.

Trong các tập hồ sơ đã giải mật ấy lưu lại những thông tin như một thứ “từ khóa” để hậu thế giải mã. Nhờ vậy mà tôi đã “ tra” đã tìm được những thông tin quý giá về cụ Lê Văn Huấn.

Giáo sư Lê Văn Huấn sinh năm 1906 tại xã Phong Điền, huyện Cái Răng, tỉnh Cần Thơ trong một gia đình giàu có, đầy quyền lực. Thông minh, học giỏi, mới 18 tuổi ông đã tốt nghiệp trường sư phạm và 22 tuổi ông nhận bằng Cao đẳng Sư phạm Hà Nội, trở thành một trong những cử nhân văn khoa trẻ nhất thời đó.

Trở về Sài Gòn, ông được bổ nhiệm dạy môn Sử - Địa tại trường Pétrus Ký - trường nổi tiếng của Nam bộ lúc bấy giờ.

Thời điểm Nam bộ kháng chiến, GS Lê Văn Huấn đã tình nguyện ra chiến khu để trực tiếp tham gia chiến đấu chống Pháp, nhưng tổ chức lại yêu cầu Giáo sư Lê Văn Huấn cũng như nhiều trí thức nổi tiếng khác như các luật sư Nguyễn Hữu Thọ, Trịnh Đình Thảo, các giáo sư Nguyễn Văn Hiếu, Lê Văn Thới... ở lại hoạt động nội thành Sài Gòn. Nhiệm vụ mà tổ chức giao cho giáo sư Lê Văn Huấn là mở lớp đào tạo cán bộ kỹ thuật về phát thanh để phục vụ công tác tuyên truyền cách mạng.

Điều đặc biệt là GS đã nhiều lần dùng xe của nguyên Thủ tướng Chính phủ Sài Gòn là Lê Văn Hoạch, người anh cùng cha khác mẹ của GS để chở máy móc, linh kiện điện tử ra chiến khu xây dựng Đài phát thanh Nam bộ và Đài phát thanh đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn.

Sau Hiệp định Geneva, địch khủng bố trắng, GS Lê Văn Huấn tham gia lãnh đạo phong trào bảo vệ hòa bình và Nghiệp đoàn giáo giới bị bắt đi bắt lại đến 7 lần, bị tra tấn hết sức dã man, bị giam cầm ở hầu khắp các nhà tù, bốt cảnh sát, khám Chí Hòa, rồi đày ra Phú Quốc, Côn Đảo.

Năm 1963 ra tù, Giáo sư Lê Văn Huấn bí mật rời thành phố Sài Gòn vào chiến khu, được cử làm Phó Tổng thư ký Ủy ban Trung ương MTDTGP MNVN chuyên trách công tác giáo dục và làm Chủ tịch Hội Nhà giáo yêu nước miền Nam Việt Nam.

Một dịp khác sẽ tường tận hơn về trường hợp Huỳnh Minh Tuấn, sinh năm 1954, con trai KTS Huỳnh Tấn Phát. KTS đã có hai đơn xin cho con trai vào chiến trường B.

Do khuôn khổ bài báo, chúng tôi xin lỗi bạn đọc vì đã không trích nguyên văn các lá đơn tình nguyện xin vô Nam của các đương sự, những Đoàn viên Thanh niên (ĐVTN) của Trường HSMN Vĩnh Phú. Nhưng tất thảy đều toát lên ý chí căm thù giặc Mỹ, nôn nóng muốn được trở về quê hương miền Nam để tham gia trả thù nhà, nợ nước.

… Cháu luôn muốn mình trực tiếp cầm súng đánh Mỹ ngay trên quê hương mình. Trong thời đại này các cháu không được đánh Mỹ thì có lẽ một ngày mai đây chẳng còn phần Mỹ để cho các cháu và những người như các cháu đánh.

Chúng cháu muốn chuộc lại lỗi lầm như trong thời gian ở Trường HSMN còn nghịch ngợm, bỏ học đi chơi, đánh nhau… (Đơn của Lê Văn Phương)

Một tập Hồ sơ khác.

UB Thống nhất T.Ư Hà Nội ngày 12/12/1974. Kính gửi Đồng chí Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa. Theo yêu cầu của gia đình cháu Nguyễn Văn Trung 23 tuổi hiện đang học năm thứ 3 Khoa Điện ĐHBK và đã được UB Thống nhất tán đồng. Đề nghị Ban Giám hiệu trường Bách khoa xét và ra QĐ cho cháu Trung thôi học để trở về miền Nam công tác.

Đơn của bà Ba Định &Sinh viên ĐHBK Nguyễn Văn Trung

Một tờ đơn mỏng nhưng đã níu mắt người coi.

… Tôi Nguyễn Thị Định. Phó tư lệnh Quân GPMNVN. Tôi là người thay mặt gia đình đồng ý với nguyện vọng của cháu Trung được về miền Nam tham gia chiến đấu để rèn luyện. Sau này có điều kiện cháu tiếp tục theo học cũng không muộn. Đề nghị các anh ở Ban Thống nhất xét và giúp sớm để cháu Trung về Nam cùng chuyến với tôi luôn. Hoặc cháu cùng về với đồng chí Gấm, Tư lệnh Quân khu cùng Khu ủy miền Trung Nam bộ cùng đơn vị với ba cháu Trung lúc còn sinh tiền.

Nhờ những từ khóa khác, tôi đã “tra” đã tìm được những thông tin quý giá. Nguyễn Văn Trung là con trai duy nhất của vợ chồng cùng hoạt động mật với bà Nguyễn Thị Định. Bố mẹ Trung đều bị giặc sát hại. Nhờ sự can thiệp của bà Phó Tư lệnh, Nguyễn Văn Trung đã được trở về Nam cùng chuyến với cô Ba Định tháng 12/1974 (Thời gian này bà Ba Định bí mật ra Bắc một thời gian ngắn rồi lại quay vào).

Vẫn sâu đậm trong tâm trí nhiều người, ký ức về bà của nguyên Chủ tịch Hội LH Phụ nữ Việt Nam, bà Trương Mỹ Hoa:

“Tôi không sao quên được hình ảnh dì Ba trong một lần vào Nam. Hôm ấy tôi tiễn dì Ba đi. Dì Ba thức dậy rất sớm. Dì Ba bước ra xe, trên vai, một bên là bọc hài cốt của đứa con trai yêu, một bên vai là gói hài cốt của đứa con trai của một đồng chí mình. Hành lý của dì Ba vào Nam khi nghỉ hưu chỉ có vậy”.

Trong một bài báo ngắn (trả lời phỏng vấn sau này), Nguyễn Văn Trung bộc bạch “Hành quân về Nam tôi may mắn đi cùng cô Ba Định. Thời gian đầu huấn luyện cô hướng dẫn tỷ mỷ cho tôi cách sắp xếp đồ đạc trong ba lô, cách mang vác ba lô đi bộ, cả cách bắn súng. Mỗi lần đến binh trạm cô luôn hỏi han rằng có mệt không? Cách ngâm chân chữa phồng rộp. Cô Ba xác định rằng đây chỉ là chặng đầu thôi. Liệu đến tận quê hương, tận chiến trường còn gian khổ nữa con có chịu được không? Những con ngầm qua sông Serepok địch đánh phá ác liệt. Những cô TNXP dầm người dưới nước làm trụ cầu đỡ ván cho xe qua - hình ảnh ấy gây ấn tượng mạnh với tôi”.

Sau nhiều trận đánh ác liệt, sau 1975, Trung từ quân đội chuyển sang Công an. Sau khi tốt nghiệp trường Đại học An ninh rồi công tác trong ngành CA cho đến khi về hưu.

Rất ít người biết trong kho lưu trữ của Trung ương chính quyền Sài Gòn mà cách mạng đã tiếp quản còn giữ ở Trung tâm Lưu trữ quốc gia II có một báo cáo mật của Lê Xuân Khánh - Trưởng ty Công an Kiến Hòa gửi cho Phủ Tổng thống ngụy Sài Gòn về một số cán bộ tầm cỡ của “Việt cộng” ở Bến Tre, trong đó có bà Nguyễn Thị Định. Báo cáo ấy ghi rõ: “Nữ Việt cộng rất lợi hại Nguyễn Thị Định. Bí danh: Bích Vân. Chức vụ: Phó Bí thư Tỉnh ủy. Đặc điểm: Người mập trắng, mày rậm, tóc quăn, có cái “bớt” ở má phải. Tính cách: Mạnh mẽ, gan lì, linh hoạt”.

Thiếu tướng Phó Tổng Tư lệnh Nguyễn Thị Định, bà Ba Định, cô Ba Định yêu quý thương mến. Sau chiến tranh, bà lại nhận lấy trên đôi vai trọng trách: Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, Đại biểu Quốc hội, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước đã sống một cuộc đời trọn vẹn với non sông đất nước nhưng cuộc đời riêng của bà lại chịu bao thua thiệt. Một thống kê rúng động tâm can, bà được hưởng đời sống vợ chồng chưa được tròn một… tháng! Người chồng đầu tiên của bà hy sinh ở Côn Đảo. Con trai duy nhất phải xa vòng tay mẹ, được gửi ra Bắc học nhưng sớm qua đời vì bệnh.

Người chồng thứ hai của bà, một cán bộ cách mạng, từng đem lòng yêu bà thời thiếu nữ. Nhưng cuộc sống khắc nghiệt thời chiến đã cướp đi sức khỏe của ông. Mặc dù công tác rất bận rộn, bà vẫn rất chu đáo trách nhiệm gia đình. Sau ngày giải phóng, bà đích thân lặn lội về xã Đại Điền (Bến Tre), đón bà mẹ chồng đã hơn 70 tuổi đang sống với hai đứa cháu nhỏ dại trong túp lều lá, bữa đói bữa no về nhà chung sống.

Trung tâm Lưu trữ III. Dài tít tắp trên kệ, vuông vắn ngay ngắn trong hộc là những Hồ sơ đi B. Mà giở, mở bất kỳ tập nào như giăng mắc như bâng khuâng một quá vãng hào hùng lẫn bi thương.

Hồ sơ đi B. Có thể là thứ “tài liệu”, thứ thuốc “Thiền” cho ai đó muốn tĩnh tâm?

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-26T23:48:55Z dg43tfdfdgfd