NHữNG Ký ứC VẹN NGUYêN CủA NGườI LíNH ĐIệN BIêN

Gần 70 năm trôi qua, chưa bao giờ cảm xúc, tình cảm của người lính Điện Biên năm xưa với đồng đội phai mờ. Những ký ức về chiến trường xưa, về những người đồng đội “súng bên súng, đầu sát bên đầu” luôn trong tâm trí họ.

Vẹn nguyên ký ức những ngày chiến đấu

Chiến thắng vĩ đại Điện Biên Phủ 1954 ghi vào lịch sử chống ngoại xâm của dân tộc Việt Nam một mốc son chói lọi, “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.

Gần 70 năm đã trôi qua, thế giới có nhiều đổi thay nhưng thời gian không làm phai mờ chiến công hào hùng năm xưa. Trong ký ức của những người lính Điện Biên năm xưa, kỷ niệm chiến đấu trong những tháng ngày gian khó, ác liệt nhưng đầy quả cảm đó vẫn còn vẹn nguyên.

Trong một căn phòng nhỏ với đầy tài liệu, sách báo, Nhà giáo ưu tú Đỗ Ca Sơn - nguyên là Trung đội trưởng Tiểu đoàn 251, Trung đoàn 174, Đại đoàn 316, chiến đấu suốt 38 ngày đêm trên đồi A1 - chia sẻ, mỗi lần chuẩn bị kỷ niệm Điện Biên Phủ, ông đều có những cảm xúc mạnh.

Mặc dù đã 70 năm trôi qua, chưa bao giờ cảm xúc, tình cảm của ông với đồng đội phai mờ. Ông nhớ về chiến trường xưa, nhớ về những người đồng đội “súng bên súng, đầu sát bên đầu”, những người cùng chung chiến hào năm xưa.

Dù ở tuổi 92, người lính Điện Biên năm xưa kể rành mạch về những người đồng đội, về lòng nhân ái của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, về quyết định chuyển phương án tác chiến “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc” của quân đội ta, về sự ác liệt trong cuộc chiến, về cuộc tiến công ở đồi A1…

“Chiến đấu ở chiến trường ác liệt, có lúc nào ông sợ chết?” - Trả lời không chút do dự, ông Đỗ Ca Sơn giọng hào sảng nói: “Không phải có bao giờ người lính chúng tôi sợ chết hay không mà lúc nào, tất cả chúng tôi, những chiến sĩ Điện Biên, cũng muốn sống cho đến ngày chiến thắng. Riêng tôi, tôi muốn sống cho đến ngày chiến thắng để được trở về gặp lại mẹ tôi, gặp lại các em tôi, gặp lại những người thân của tôi”.

Ông Đỗ Ca Sơn nói tiếp, muốn sống nhưng các chiến sĩ Điện Biên không bao giờ hèn nhát. Đặc biệt không bao giờ đùn đẩy cho nhau những nhiệm vụ khó khăn.

“Chúng tôi chia sẻ với nhau tất cả những niềm vui và cả những nỗi buồn, sự hân hoan và cả điều cay đắng, hạnh phúc và cả đớn đau. Những kỷ niệm ấy không bao giờ quên được, đã gắn bó những chiến sĩ Điện Biên Phủ nói chung, chiến sĩ đồi A1 nói riêng với nhau suốt từ đó cho đến bây giờ, dẫu là 50 năm, 60 năm, 70 năm hay lâu hơn nữa” - ông nói.

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh

Ông Đỗ Ca Sơn nói, năm nay chúng ta kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Song, trong sâu thẳm tâm trí, ông nhớ về những người đồng đội, những người lính đã nằm xuống để đất nước được độc lập, tự do.

Đôi mắt người lính già đỏ hoe, ông nhắc tới 3 nghĩa trang ở Điện Biên Phủ. Nghĩa trang Độc Lập lớn nhất rộng 5ha có hơn 2.400 ngôi mộ. Nghĩa trang Him Lam có gần 900 ngôi mộ. Nghĩa trang đồi A1 có 644 ngôi mộ liệt sĩ… Tổng cộng có gần 4.000 ngôi mộ, trong đó còn rất nhiều ngôi mộ của các liệt sĩ chưa tìm được tên.

Từng nhiều lần nghiêng mình bên những ngôi mộ trong nghĩa trang rộng lớn và nghĩ tới những đã khuất, người lính năm xưa chia sẻ: “Dù có tên hoặc chưa biết tên nhưng các anh hùng liệt sĩ nằm đây là biểu tượng một thời oanh liệt được đời đời cháu con tưởng nhớ”.

Ông Đỗ Ca Sơn nói tiếp, những người lính trong kháng chiến chống Pháp ra đi không chắc có ngày về. Các anh cũng ít quan tâm đến phút mình phải nằm xuống.

“Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh là như vậy! Chiến dịch Điện Biên Phủ được kéo dài gần nửa năm, những đợt tân binh không ngừng được bổ sung ra mặt trận. Trước tình thế khẩn trương của chiến dịch, người học sinh tình nguyện 'xếp bút nghiên lên đường chiến đấu', người nông dân hậu phương tình nguyện ngưng tay cuốc tay cày ra tiền tuyến.

Có khi chưa kịp qua khóa huấn luyện, họ đã xung phong ra thẳng chiến hào. Gặp đơn vị chiến đấu, họ xông vào ngay. Cả những người đang chiến đấu và người lính mới cũng chưa kịp hỏi tên nhau. Chiến tranh khốc liệt là như vậy. Cái giá phải trả cho độc lập tự do của người dân mất nước là như vậy. ‘Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh’ là vậy” - ông Đỗ Ca Sơn tâm sự.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-05-06T01:14:09Z dg43tfdfdgfd