BảO Vệ CON CáI, KHôNG AI THAY THế CHA Mẹ

Liên tiếp những vụ bắt cóc, xâm hại trẻ em xảy ra trong thời gian gần đây. "Lá chắn" nào giúp bảo vệ con cái trước những cạm bẫy rình rập?

Vai trò của nhà trường, xã hội trong nỗ lực phòng ngừa dĩ nhiên không thiếu, nhưng vẫn không thể thay thế sự quan tâm và trách nhiệm của từng gia đình. Tài sản bị mất trộm vẫn có cơ hội tìm lại hoặc mua sắm, nhưng với con người và trẻ em thì hoàn toàn khác.

Vụ việc ở phố đi bộ Nguyễn Huệ, quận 1 (TP.HCM) cho thấy dù có hai chị em đi cùng, một mình đối tượng vẫn dụ dỗ và đưa về nơi ở mà không bị người thân phát hiện.

Sau đó vài ngày, trong một siêu thị ở quận Gò Vấp, có vụ nhiều bé gái bị một người đàn ông lại có hành vi sờ soạng cơ thể. Giữa ban ngày ban mặt, camera giám sát dày đặc, song kẻ xấu vẫn không ngần ngại.

  • Nỗi lòng của người cha có con gái 12 tuổi mang thai, nghi bị xâm hạiĐỌC NGAY

Đau lòng và xót xa nhất vẫn là một bé gái 12 tuổi ở Hà Nội vừa sinh con do trước đó bị xâm hại nhiều lần khi ở nhà một mình. Hậu quả lâu dài bé gái và người thân phải gánh chịu không thể nào tính được.

Điểm lại nhiều câu chuyện trong cuộc sống hằng ngày, một số người lúc đi vắng vô tư gửi con gái cho phòng trọ bên cạnh khi có người khác giới. Có hàng ngàn tình huống phụ huynh lơ đãng khi đi cùng trẻ đến nơi công cộng. Kẻ xấu chỉ cần một sơ suất nhỏ của người lớn là quá đủ để tận dụng cơ hội.

Chăm sóc, bảo vệ con cái không chỉ bằng đôi mắt, vòng tay. Phụ huynh thử điểm lại mỗi ngày dành bao nhiêu phút để nói chuyện với con? Hình ảnh rất phổ biến trong bữa cơm tối đông đủ vợ chồng, con cái chính là mạnh ai nấy vừa ăn, mỗi người một cái điện thoại không rời tay.

Tỉ tê tâm sự, tư vấn cho con trẻ những kiến thức cần thiết, kỹ năng cơ bản giúp nhận diện cái xấu, xử lý tình huống bất ngờ trong cuộc sống phải được chính các bậc cha mẹ thực hiện thường xuyên.

Trẻ em được học ở trường lớp vẫn chưa thể phát huy hết tác dụng nếu thiếu ôn luyện cùng "phụ huynh thầy cô" khi ở nhà. Lứa tuổi các em không chỉ hướng dẫn một lần là xong, rất cần luyện thành thói quen tốt, để các em biết ứng phó khi gặp phải chuyện lạ.

Cần đặt ra những giả thiết trẻ em bị lạc cha mẹ cần phải tìm đến ai, các nhân viên bảo vệ, hoặc hỏi đường đến trụ sở công an gần nhất chẳng hạn. Những số điện thoại của cơ quan chức năng khi cần hỗ trợ để các bé thuộc lòng.

Có những phụ huynh cẩn thận hơn, nhét hẳn tờ giấy ghi số điện thoại của cha mẹ trong túi áo con trước giờ đi chơi.

Những gia đình có con gái càng phải chú ý gần gũi, hướng dẫn con nhiều hơn. Biết giữ khoảng cách với người khác giới, kỹ năng tự vệ chính đáng nếu bị tấn công, sẽ không bao giờ thừa để tạo ra vùng an toàn, bất khả xâm phạm cho con trẻ.

Đọc bài gốc tại đây.

2024-04-19T04:07:53Z dg43tfdfdgfd